Màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp bản thiết kế của bạn trở nên đẹp mắt, nổi bật và sinh động hơn. Vì thế việc kết hợp màu sắc trên bản thiết kế sao cho hài hòa, phù hợp là cực kỳ cần thiết. Hiểu được điều đó, Nhóm In sẽ hướng dẫn bạn những cách phối màu thiết kế cơ bản chi tiết nhất trong bài viết dưới đây nhé!
Ý nghĩa của màu sắc trong thiết kế
Màu sắc đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bất cứ thiết kế nào. Màu sắc được ví như ngôn ngữ nhận diện độc đáo của nhân loại. Mỗi màu sắc lại có những ý nghĩa riêng, mang lại sự liên kết về mặt cảm xúc cho người xem. Trong tiếng Anh những từ mô tả cảm xúc cũng có sự hiện diện của màu sắc, ví dụ như “seeing red” biểu thị cho sự tức giận hoặc “Feeling blue”.
Cách phối màu thiết kế chính là yếu tố quyết định sản phẩm của bạn nhận được thành công hay thất bại.
Cách phối màu thiết kế phổ biến nhất
Dưới đây là những cách phối màu thiết kế đúng tiêu chuẩn, được sử dụng phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo:
Phối màu đơn sắc (Monochromatic)
Phối màu đơn sắc chính là cách sử dụng một màu sắc làm chủ đạo hoặc sử dụng nhiều sắc độ khác nhau của màu sắc đó trên bản thiết kế. Cách phối màu này đơn giản, mang lại sự dễ chịu, thoải mái cho người nhìn. Tuy nhiên nếu bạn muốn tạo ra điểm nhấn trong các chi tiết của sản phẩm thì kiểu phối màu sẽ không phù hợp.
Cách phối màu đơn sắc thường sử dụng trong các thiết kế phong cách tối giản. Phối màu đơn sắc giúp người xem tập trung vào các yếu tố chính mà không bị xao nhãng quá nhiều.
Phối màu tương phản (Complementary)
Cách phối màu tương phản phù hợp khi bạn muốn tạo ra sự độc đáo, ấn tượng và nổi bật cho ấn phẩm của mình. Đây là cách lựa chọn các cặp màu tương phản với nhau. Đây là các cặp màu đối diện nhau trong bánh xe màu sắc. Cách phối màu này giúp các chi tiết quan trọng trên ấn phẩm sắc nét, nổi bật hơn.
Đối với cách phối màu này, bạn nên chọn 1 màu chủ đạo rồi chọn thêm các màu đối xứng với nó để làm màu phụ. Có một lưu ý nhỏ là không nên chọn các màu sắc độ nhạt vì chúng sẽ làm mất đi tính tương phản của thiết kế.
Phối màu tương đồng (Analogous)
Phối màu tương đồng trong thiết kế là cách phối những màu gần nhau (3 màu) trên bánh xe màu sắc lại với nhau. Cách phối này tạo ra sự phong phú và bắt mắt hơn so với cách phối màu đơn sắc. Khi sử dụng cách này, người nhìn có thể nhận biết, phân biệt rõ ràng các nội dung khác nhau trên sản phẩm của bạn.
Đối với cách làm này bạn sẽ chọn 1 tông màu chủ đạo được sử dụng nhiều nhất và các màu phụ phải tương tác tốt với màu này. Tiếp theo bạn kết hợp những màu sắc liền kề màu chủ đạo trên bánh xe để tạo ra sự tương đồng, bổ trợ cho nhau.
Phối màu bổ túc xen kẽ (Split – complementary)
Cách phối màu bổ túc xen kẽ là lựa chọn 3 màu sắc ở 3 góc khác nhau trên bánh xe màu sắc để tạo nên một tam giác cân. Cách phối màu này khá phức tạp, bạn cần kết hợp 1 màu chủ đạo và 2 màu liền kề với màu tương phản của nó. Ví dụ khi bạn chọn màu cam chủ đạo thì sẽ kết hợp thêm với màu tím – xanh lam tạo ra màu bổ túc xen kẽ đẹp mắt.
Cách phối màu này giúp người thiết kế khám phá ra nhiều cặp màu độc đáo cho thiết kế của mình. Cách phối màu thiết kế này được sử dụng ngày càng nhiều và thông thường người ta sẽ chọn màu đen hoặc trắng làm tông màu chủ đạo sau đó chọn thêm màu cho các chi tiết phụ để sản phẩm trở nên bắt mắt hơn.
Phối màu bộ ba (Triadic)
Phối màu bộ 3 là cách lựa chọn 3 màu nằm ở 3 góc khác nhau trên bánh xe màu sắc để tạo nên một tam giác đều. Khi 3 màu này kết hợp sẽ có tính bổ sung cho nhau làm thiết kế của bạn trở nên cân bằng hơn.
Tuy nhiên kiểu phối màu này không phù hợp khi bạn muốn tạo ra các điểm nhấn trên bản thiết kế. Tuy nhiên cách phối này lại tạo ra sự cân bằng, hài hòa cho thị giác.
Phối màu bổ túc bộ bốn (Rectangular Tetradic/Compound Complementary)
Đây là cách phối màu khó nhất nhưng khi thành thạo bạn sẽ có được những sản phẩm thiết kế đẹp mắt, ấn tượng nhất. Cách làm này sẽ giúp bạn tìm được những cặp màu sắc kết hợp với nhau cực kỳ tuyệt vời đấy!
Phối màu bổ túc bộ bốn chính là lựa chọn 2 cặp màu bổ túc trực tiếp. Điểm nổi bật nhất của cách phối màu này là bạn sẽ có được sự đối lập, bổ sung giữa 2 cặp màu được lựa chọn. Bạn cần chọn 1 trong 4 màu làm màu chủ đạo, 3 màu còn lại sử dụng làm màu nhấn. Khi thực hiện cách phối này bạn cần lưu ý cân bằng giữa tông màu nóng và lạnh để sản phẩm trở nên hài hòa hơn nhé.
Trên đây là những cách phối màu thiết kế cơ bản, đúng nguyên tắc mà Nhóm In đã tổng hợp được. Hy vọng với những cách phối độc đáo này bạn sẽ có những sản phẩm đẹp mắt, chất lượng và ấn tượng nhất. Trân trọng!